Ký ức Tết xưa chốn kinh đô Huế ~ Dạy Vẽ Móng, Nail Hà Nội

Thursday, January 31, 2019

Ký ức Tết xưa chốn kinh đô Huế

Huế là kinh đô cuối cùng của chế độ quân chủ Việt Nam hiện còn bảo lưu gần như nguyên vẹn diện mạo cố đô. Ở đây đã và đang gìn giữ, bảo tồn các hình thái văn hóa phi vật thể cung đình độc đáo. Tết Nguyên đán với nhiều phong tục tập quán truyền thống tốt đẹp của chốn kinh kỳ vẫn còn hiển hiện trong nhiều nếp nhà.

ky uc tet xua chon kinh do hue hinh 1
Tái hiện các cung nữ trong không gian của kiến trúc cung đình 
Những ngày này, ông Hoàng Trọng Đính càng bồi hồi nhớ lại những cái Tết xưa chốn cung đình. Là cháu ruột của bà Hoàng Thái hậu Từ Cung, mẹ của vua Bảo Đại, lúc 3 tuổi, ông Đính đã vào sống ở Đại Nội và chứng kiến nhiều cái Tết cung đình. Bây giờ, ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, hình ảnh những ngày Tết chốn cung đình còn in đậm trong tâm trí ông. Theo ông Đính, không khí Tết trong Hoàng cung thật tôn nghiêm. Các cung điện, kỳ đài, cửa kinh thành đều treo cờ, lọng đón chào mùa Xuân mới. Vào đêm 30, không khí Hoàng cung rộn ràng, ấm cúng.

Ông Hoàng Trọng Đính nhớ lại, Tết trong cung đình Huế diễn ra rất trang nghiêm. Trong nội cung, ngoài bánh chưng, bánh tét, các cung tần mỹ nữ cũng chuẩn bị rất nhiều loại bánh, mứt ngon để dâng lên các bậc tôn kính. Ông Đính bảo rằng, hương vị Tết ngày nay trong nhân dân cũng thừa hưởng phần nào từ những cái Tết trong cung cấm ngày xưa.

"Ở nội cung cũng như vua chúa, ngày 30 Tết có ban nghi lễ cúng rồi. Còn sáng Mồng 1 đình thần đến rất sớm để chúc Tết, chúc xong ai cũng về nhà. Cái Tết trong Đại Nội nghiêm trang, đàn ông bận khăn đen, áo dài. Ở trong nội cung, các bà cung phi tụ tập đổ xăm hường là chính, còn bà Từ Cung thì hay đánh mạt chược", ông Hoàng Trọng Đính kể lại.

Đối với người Việt Nam xưa, mùa xuân là mùa của các lễ tiết, hội hè; khởi đầu bằng các hoạt động đón Tết Nguyên Đán, sau đó là các lễ hội kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch. Các hoạt động lễ hội trong chốn cung đình nhà Nguyễn thời xưa ở Huế có những đặc trưng riêng. Lễ tiết của triều Nguyễn gồm 2 phần: trước và sau Tết được tổ chức rất trang trọng và chu đáo.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, hàng năm, đến ngày mồng 1 tháng Chạp đã bắt đầu lễ Ban sóc. Triều đình ban hành lịch làm việc năm mới cho bách quan và các địa phương trong cả nước. Đó là hoạt động mở đầu cho việc đón năm mới. Tết Nguyên đán ở chốn cung đình xưa thường chú trọng về phần lễ nghi, những hoạt động vui chơi ngày Tết cũng rất tao nhã.

"Trò chơi cung đình diễn ra trong nội cung của các bà phi là chính mà thôi. Chứ còn bá quan khi vào nội cung là lo việc nước, chứ gần như không có chuyện vui chơi trong đó. Nếu có chơi thì vua đến Ngự viên ngâm thơ đọc thơ, đó là những sinh hoạt tinh thần rất trang trọng. Trong nội cung có một số trò chơi như đỗ xăm hường, chơi tứ sắc, bài tới, chơi bài vụ và những trò chơi đó nó cũng diễn ra trong một sinh hoạt rất nề nếp chứ không xô bồ như ở ngoài dân gian", nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho biết.

ky uc tet xua chon kinh do hue hinh 2
Các trò chơi chốn cung đình được tái hiện phục vụ người dân và du khách.

Đón Tết trong Hoàng cung bắt đầu là Lễ dựng nêu từ ngày 23 tháng Chạp. Dưới thời Nguyễn, tục dựng nêu được tổ chức bài bản, như là một dấu mốc cho sự ngừng nghỉ các công việc triều chính trong năm. Nêu được dựng trước dinh phủ, đình chùa, trước điện Thái Hoà và các miếu trong Đại Nội. Cây tre dựng nêu là loại tre đực, cao, to và khoẻ. Trên ngọn nêu treo ấn tín, bút lông, đoản kiếm. Ngày dựng nêu, triều đình cho bắn súng lệnh từ Kỳ Đài để cáo với đất trời. Tiếng súng lệnh vừa dứt, khắp các huyện, phủ, triều đình và người dân đều nghỉ ngơi sau một năm làm việc, lao động nhọc nhằn để ăn Tết, vui Xuân.

GM_PC_ARTICLE_NATIVE_ADS

Theo nghiên cứu của ông Nguyễn Phước Hải Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thì sau khi nêu dựng, triều đình cử lính canh cho đến ngày Mồng 7 tháng Giêng thì hạ nêu, bắt đầu làm việc trở lại: "Cái lễ dựng nêu trước đây ở trong cung đình là xuất phát từ dân gian, nhưng trong cung đình lễ dựng nêu thì báo hiệu thời gian nghỉ Tết của triều đình. Ngày xưa người ta thường đan một cái giỏ và treo một số ấn vàng để thông báo rằng là nghỉ Tết rồi. Cho nên dựng nêu trong cung đình là dựng sớm nhất, khi nào hạ nêu là báo hiệu thời gian đi làm lại".

ky uc tet xua chon kinh do hue hinh 3
Cây nêu dựng trong Thế Tổ Miếu Đại Nội.

GM_PC_ARTICLE_INPAGE_BANNER

Nghi lễ quan trọng nhất trong dịp Tết ở chốn cung đình đó chính là lễ mừng Tết Nhà vua và các thành viên trong hoàng gia. Lễ mừng Nhà vua được tổ chức như một lễ đại triều, có sự tham dự của bách quan văn võ và bô lão đại diện của địa phương. Sáng Mồng 1 Tết, tất cả những người tham dự đều phải mặc lễ phục. Nội dung chủ yếu của lễ là đọc biểu mừng Nhà vua của bách quan và các địa phương. Sau lễ mừng Tết, Nhà vua thường ban lộc và mở yến tiệc cho những người tham dự. Ngoài lễ mừng Tết Nhà vua, còn có các lễ mừng Tết Thái hậu, mừng Tết Hoàng Thái phi, mừng Hoàng thái tử. Riêng lễ mừng Tết Hoàng Thái hậu, các vua Nguyễn đều là người đề cao chữ hiếu nên trong ngày Tết, nghi lễ này được thực hiện rất trang trọng tại cung Diên Thọ - nơi sinh hoạt của Thái hậu.               

Những năm gần đây, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tiến hành phục dựng nhiều nghi lễ cung đình xưa để phục vụ người dân và du khách. Các nghi lễ được phục dựng nguyên vẹn như Lễ đổi gác, Lễ dựng nêu và hạ nêu ngày Tết; Tái hiện các hoạt động gói bánh Tết xưa và biểu diễn ca Huế, trình diễn thư pháp, các trò chơi dân gian và cung đình.

ky uc tet xua chon kinh do hue hinh 4
Hoạt động gói bánh tét ngày Tết.

Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho rằng, ngày xưa kể cả chốn cung đình hay ở trong dân gian thì Tết đều được mọi người chuẩn bị rất chu đáo: "Trong chốn cung đình Huế thì hoạt động chuẩn bị cho Tết thì người ta chuẩn bị rất kỹ lưỡng, nổi bật gồm có hai phần. Một là phần tưởng nhớ tiền nhân. Hoạt động cúng tế được tổ chức rất chu đáo. Việc thứ hai, là chính cho người đang sống. Trong ngày Nguyên đán, Mùng 1 tết, Nhà vua tổ chức Lễ ngay tại điện Thái Hoà để cho quần thần chúc thọ Nhà vua và đó cũng là lễ Nhà vua ban lộc cho mọi người, sau đó người ta chúc tụng nhau. Về sau này còn có lễ du Xuân. Hoạt động Tết là hoạt động sôi động và rất có chiều sâu về văn hóa. Hiện nay chúng tôi nghiên cứu phục hồi những nghi lễ quan trọng, hàm chứa những giá trị văn  hóa rất sâu sắc của dân tộc".

Ngày nay, khi thành quách đã rêu phong, chốn Hoàng cung đã thành di tích lịch sử, những nét văn hóa truyền thống của người xưa cũng phai nhạt theo thời gian. Sự gìn giữ bản sắc riêng, những nét văn hóa độc đáo là hồn riêng của mỗi dân tộc. Mang trong mình các di sản văn hóa nhân loại, Huế luôn biết cách nâng niu giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc Việt Nam./.

Lê Hiếu/VOV-Miền Trung

PC_Article_AfterShare_1

0 nhận xét:

Post a Comment

 
loading...

Day Noi Mi | Hoc Noi Mi | Noi Mi Dep | Noi Mi Lan Anh | Dạy Nối Mi | Day Noi Mi Mat | Day Noi Mi Dep Tu Nhien | Day Noi Mi Ha Noi | Day Ve Mong